Đầu tháng 8 năm 2019, hình ảnh một chiến sĩ cảnh sát cơ động nhăn mặt chịu đau đớn, đưa ngón tay của mình vào miệng cháu bé đang lên cơn co giật tại sân bóng Thiên Trường (Nam Định) lan rộng khắp các trang mạng xã hội và trở thành chủ đề được nhiều người tranh luận. Bởi hành động này tuy rất đẹp, rất dũng cảm nhưng nó chưa thực sự đúng, thậm chí có thể gây nguy hại cho cả em bé và chính anh. Do đó, để tránh gặp phải những sai lầm như vậy, hãy sớm tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản trong xử trí cơn co giật, động kinh.
Tóm tắt bài viết
Những sai lầm thường gặp khi xử trí cơn co giật, động kinh
Chắc hẳn sẽ có những lúc bạn bắt gặp ai đó bỗng dưng ngã xuống đất và co giật không ngừng. Trong hoàn cảnh này, nếu không xử trí đúng cách có thể khiến cơn động kinh diễn ra trầm trọng hơn, gây nguy hiểm cho người bệnh. Dưới đây là 6 sai lầm cần tránh khi xử trí cơn co giật, động kinh bạn nên hiểu rõ:
Mất bình tĩnh, hoảng sợ, la hét
Bất ngờ, hoảng sợ có lẽ là tâm lý chung của chúng ta khi gặp ai đó lên cơn co giật, động kinh, thậm chí có người còn không giữ được bình tĩnh mà la hét. Đây là sai lầm thường gặp nhất, bởi nó khiến người bệnh trở nên căng thẳng, tự ti, xấu hổ, lâu hồi phục sức khỏe hơn, hoặc có thể tái phát cơn ngay sau đó. Lúc này điều bạn nên làm là giữ bình tĩnh để tìm cách xử lý giúp người bệnh nhanh chóng vượt qua tình trạng này.
Không nên quá hoảng sợ khi thấy ai đó bị co giật, động kinh
Tạo đám đông vây xung quanh người bệnh
Dù có lo lắng thế nào cũng không nên tụ tập thành đám đông vây xung quanh người bệnh bởi điều này có thể gây giảm lưu thông khí khiến người bệnh bị khó thở, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu và oxy lên não. Cách tốt nhất là hãy đứng quan sát ở một khoảng cách vừa đủ, tạo một không gian thoáng đãng và chỉ cần để 1 – 2 người hỗ trợ trực tiếp bên cạnh bệnh nhân.
Đặt vật lạ vào miệng người bệnh
Khi lên cơn co giật, người bệnh thường bị cứng hàm và cơ mặt khiến răng họ nghiến chặt, sùi bọt mép. Lúc này, nhiều người xung quanh sẽ lo sợ họ cắn vào lưỡi và phản xạ đầu tiên có lẽ là nhét ngón tay hoặc vật cứng (đũa cả, thìa,…) ngang miệng người bệnh. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến người bệnh bị gẫy răng, chấn thương cơ hàm – nướu, lợi, đôi khi còn cắn vỡ và nuốt vật lạ vào trong họng.
Và bạn có thể an tâm rằng, nguy cơ người bệnh động kinh cắn lưỡi là rất thấp và nếu có thì những thương tổn này không quá nguy hiểm và có thể tự hồi phục trở lại. Do vậy việc bạn đưa ngón tay vào miệng người bệnh là không cần thiết.
Đây cũng chính là sai sót của anh cảnh sát cơ động khi thực hiện sơ cứu nhanh cho cháu bé bị co giật tại sân bóng Thiên Trường. Giá như anh nắm rõ cách xử trí cơn co giật thì hành động của anh sẽ càng đẹp và hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, sự dũng cảm, nhanh trí của anh cũng đáng được vinh danh, khen ngợi.
Không nên cho tay, vật cứng vào miệng người bệnh khi đang trong cơn co giật
Kìm kẹp chân tay người bệnh
Tuyệt đối không được giữ chặt, kiềm chế một người đang lên cơn co giật, bởi điều này có thể khiến họ bị thương tích như gãy xương, trật khớp, thậm chí bị kích động, hung hăng hơn. Còn với cơn động kinh vắng ý thức, bạn không nên lắc hoặc lay gọi người bệnh dậy. Các xử trí tốt nhất lúc này là để họ tự do trong khu vực an toàn đến khi cơn động kinh kết thúc.
Di chuyển người bệnh đến một nơi khác
Trong cơn co giật, việc di chuyển người bệnh từ nơi này đến nơi khác chỉ khiến cơn tiến triển nặng hơn. Bởi vậy, bạn chỉ nên di chuyển họ trong những tình huống nguy hiểm như đang ở trên cầu thang, cạnh hồ bơi, tham gia giao thông,…
Không di chuyển người bị co giật trừ khi họ đang ở những nơi nguy hiểm
Cho người bệnh ăn uống ngay sau khi cơn kết thúc
Ngay sau khi cơn động kinh vừa kết thúc, người bệnh chưa thực sự hồi phục hoàn toàn, phản xạ nuốt của cơ thể chưa chính xác, lúc này việc bạn cho họ ăn hoặc uống một loại chất lỏng nào đó đều có thể gây ho, sặc, thậm chí là tắc nghẽn đường thở.
Xử trí cơn co giật, động kinh sao cho đúng?
Để giúp người bệnh tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi lên cơn co giật, động kinh, bạn nên giữ bình tĩnh và thực hiện theo các bước sau:
– Loại bỏ các vật cứng, sắc nhọn có thể gây tổn thương người bệnh ra xa.
– Nghiêng người bệnh sang một bên để tránh dịch nôn hoặc nước bọt chảy ngược vào thực quản gây tắc nghẽn đường thở.
– Đặt một chiếc gối hoặc vải mềm xuống dưới đầu người bệnh nhằm ngăn chặn dịch tiết chảy ngược lại vào đường hô hấp.
– Nới lỏng cổ áo, tháo thắt lưng (nếu có) để người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn.
– Ở bên cạnh quan sát người bệnh cho đến khi họ tỉnh lại, sau đó kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn như nhịp thở, khả năng phản xạ,… và trấn an tinh thần người bệnh cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Trong trường hợp người bệnh bị chấn thương, ngừng thở sau cơn, là phụ nữ có thai hay cơn động kinh kéo dài trên 5 phút, có nhiều cơn xảy ra liên tiếp mà giữa các cơn người bệnh không phục hồi phục ý thức, bạn cần gọi ngay cấp cứu để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cần gọi cấp cứu ngay nếu người bị co giật là phụ nữ có thai
Xử trí cơn co giật, động kinh đúng cách sẽ giúp người bệnh mau hồi phục và sớm trở lại với công việc còn đang dang dở. Cơn co giật không quá “đáng sợ” như bạn nghĩ, do vậy hãy ở bên để động viên và giúp đỡ người bệnh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có thể bạn quan tâm:
Mách bạn 8 cách điều trị động kinh mới nhất hiện nay
Chia sẻ bí kíp trị co giật, động kinh hiệu quả nhờ sản phẩm thảo dược
Ngày đăng: 17/11/2020
http://www.healthline.com/health/seizure-first-aid-how-respond-when-someone-has-episode#2dav