Mắt tự nhiên bị mờ một bên chắc hẳn sẽ khiến bất kỳ ai cũng đều hoang mang và lo lắng. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này nhưng chưa đi khám được ngay, hãy đọc kỹ các nguyên nhân dưới đây, từ đó có hướng xử trí hiệu quả.
Tóm tắt bài viết
17 Nguyên nhân khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên
Ngoài các nguyên nhân dễ nhận biết như chấn thương mắt, bị bụi hay vật lạ bay vào mắt… thì khi mắt tự nhiên bị mờ một bên, bạn cần nghĩ ngay tới các bệnh lý sau.
– Tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, lão thị, viễn thị): xuất hiện khi cấu trúc giác mạc, thủy tinh thể thay đổi, khiến ánh sáng không tập trung chính xác được lên võng mạc. Tật khúc xạ thường có xu hướng xảy ra ở một mắt trước nên đây là một trong những nguyên nhân khá phổ biến khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên.
– Đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô, cườm hạt):Đây là bệnh về mắt phổ biến và là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu hiện nay. Bệnh xảy ra khi thủy tinh thể (thấu kính của mắt) bị đục mờ khiến các tia sáng không hội tụ được lên võng mạc, gây biểu hiện chói sáng, nhức mỏi mắt, thấy chấm đen ruồi bay, nhìn đôi, nhìn mờ nhòe ở một bên mắt hoặc cả 2 mắt.
– Viêm kết mạc: Hầu hết ai cũng sẽ bị viêm kết mạc ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân là do virut, vi khuẩn hoặc dị ứng khiến vùng kết mạc bị viêm, gây triệu chứng sưng nhức, đau đỏ mắt, cộm rát mắt, chảy dịch, để lâu sẽ khiến tầm nhìn giảm dần. Viêm kết mạc có thể xảy ra ở cả 2 mắt hoặc chỉ 1 bên mắt, do vậy cũng có thể là nguyên nhân khiến mắt bỗng dưng mờ một bên.
– Viêm giác mạc: Đây là nguyên nhân phổ biến khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên ở những người có thói quen đeo kính áp tròng trong thời gian dài hoặc vệ sinh không đúng cách. Nếu viêm giác mạc để lâu có thể trở thành dạng mạn tính hoặc gây loét giác mạc, khiến tầm nhìn giảm sút nghiêm trọng.
– Tăng nhãn áp (glocom, cườm nước, thiên đầu thống):Xảy ra khi áp suất trong mắt tăng cao mà nguyên nhân chính là sự tích tụ của thủy dịch vì các kênh thoát bị nghẽn tắc. Áp suất trong mắt cao sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị chèn ép, gây tình trạng mắt tự nhiên bị mờ một bên hoặc cả 2 bên.
– Thoái hóa điểm vàng:Đây là bệnh về mắt rất dễ gặp ở người từ 60 tuổi trở lên, xảy ra do điểm vàng của mắt bị giảm chức năng. Bệnh thường khiến mắt nhìn mờ bắt đầu từ vùng trung tâm và lan ra toàn bộ tầm nhìn, kèm theo tình trạng thấy sự vật méo mó, cong xiên, cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa.
– Giác mạc hình chóp (hình nón): Xảy ra khi giác mạc không có hình cầu như bình thường mà có lồi ra thành hình chóp nón, khiến tia sáng không tập trung được lên võng mạc gây biểu hiện chói sáng, nhìn mờ. Bệnh lý này thường xuất hiện ở người từ 10 – 25 tuổi, khiến mắt tự nhiên bị mờ.
– Võng mạc tiểu đường: Đây là biến chứng thường gặp ở người bị tiểu đường, khiến võng mạc bị tổn thương, gây nhìn mờ nhanh chóng ở một bên hoặc cả hai bên mắt, kèm theo tình trạng thấy chấm đen, đốm đen, mảng tối trước mắt.
Võng mạc tiểu đường là nguyên nhân thường gặp khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên
– Viêm màng bồ đào: Màng bồ đào gồm mống mắt, thể mi, hắc mạc, khi bị viêm sẽ không chỉ gây sưng đỏ mắt, đau mắt mà còn mắt mờ dần. Tình trạng này là cấp tính, cần được điều trị ngay để tránh thị lực giảm nghiêm trọng.
– Viêm dây thần kinh thị giác: Viêm dây thần kinh thị giác cũng là nguyên nhân khá phổ biến khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên, kèm theo cảm giác đau nhức hốc mắt. Đây cũng là bệnh cấp tính, tiến triển nhanh nên cần phát hiện và điều trị sớm để tránh thị lực giảm nặng nền, thậm chí mù lòa.
– Tai biến mạch máu não: Làm giảm lưu lượng máu đến não, điều này có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên hoặc cả hai bên chỉ sau thời gian ngắn.
– Đa xơ cứng: Bệnh lý này sẽ khiến các dây thần kinh chỉ huy chuyển động của mắt và dây thần kinh thị giác bị tổn thương, dẫn đến nhìn mờ.
– Đau nửa đầu:Ngoài gây đau đớn, chứng bệnh này còn có thể khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên, kết hợp đau xung quanh mắt hoặc hốc mắt, thấy hào quang quanh nguồn sáng. Tình trạng này thường giảm dần sau một thời gian khi cơn đau nửa đầu biến mất.
– Huyết áp cao: Làm tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc, khiến võng mạc và dây thần kinh đáy mắt bị thoái hóa, gây giảm thị lực nghiêm trọng.
– Khối u trong não: Có thể gây chèn ép các dây thần kinh thị giác, gây biểu hiện nhìn mờ, buồn nôn, nhức đầu, co giật… Khối u não thường rất nguy hiểm nên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan.
– Tiền sản giật: Xuất hiện ở 5-8% phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người bị huyết áp cao. Tiền sản giật nặng có thể gây đau đầu, mệt mỏi, mờ mắt, chói sáng, buồn nôn…
– Ngộ độc vitamin A: Dù được biết tới là dưỡng chất tốt cho thị lực, thế nhưng nếu sử dụng quá liều vitamin A sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc, gây ra các biểu hiện mắt tự nhiên bị mờ, nhìn đôi, chóng mặt, buồn nôn…
Dùng quá liều vitamin A cũng sẽ khiến mắt tự nhiên bị mờ một bên
Cách xử trí khi mắt tự nhiên bị mờ một bên
Khi thấy biểu hiện bất thường này, điều đầu tiên bạn cần làm là loại bỏ dị vật (kính áp tròng hay bụi, côn trùng…) nếu có và vệ sinh mắt sạch sẽ. Tiếp đó, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định đúng nguyên nhân khiến mắt tự nhiên bị mờ. Tùy thuộc từng nguyên nhân, chúng ta sẽ có hướng xử trí riêng để bảo vệ thị lực, cụ thể như:
– Nếu do tác động từ các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, huyết áp cao, đa xơ cứng…:Bạn sẽ được điều trị tập trung các bệnh lý này, đồng thời sử dụng thêm một số thuốc bổ mắt chứa Alpha lipoic acid, Quercetin, Lutein, Kẽm… để mau chóng cải thiện tầm nhìn.
– Nếu do nhiễm khuẩn, viêm các bộ phận của mắt:Bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc uống, thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh, chống viêm.
– Nếu do các bệnh mạn tính tại mắt:Tùy từng bệnh, bạn sẽ được chỉ định hướng điều trị riêng, có thể là dùng thuốc bổ mắt khi bị tật khúc xạ hay đục thủy tinh thể, nhỏ thuốc hạ nhãn áp khi bị tăng nhãn áp, tiêm thuốc ngăn tăng sinh tân mạch khi bị thoái hóa điểm vàng… Bạn cũng có thể sẽ cần phẫu thuật khi bệnh ở giai đoạn nặng.
Mắt tự nhiên bị mờ một bên thì cũng rất dễ mờ thêm cả ở mắt còn lại, đồng thời có thể tiến triển nặng và đe dọa thị lực. Do vậy, khi có biểu hiện này, bạn tuyệt đối không nên chủ quan, thay vào đó nên tích cực chữa trị sớm để khôi phục tầm nhìn.
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên
Chuyên tư vấn sức khỏe và các bệnh về mắt
Ngày đăng: 31/08/2020
https://goodlifeprovision.com/blogs/news/17-causes-of-sudden-blurred-vision-in-one-eye
https://www.healthgrades.com/right-care/eye-health/blurred-vision-in-one-eye