Bạn thấy sưng đỏ, đau nhức mắt, đi khám được chẩn đoán viêm giác mạc nên rất lo lắng vì không biết đây là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Bao lâu mới khỏi? Có tái phát không?… Tất cả những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Tóm tắt bài viết
- 1 Viêm giác mạc là bệnh gì?
- 2 Triệu chứng viêm giác mạc giúp nhận biết sớm
- 3 Nguyên nhân gây viêm giác mạc
- 4 Viêm giác mạc có mấy loại?
- 5 Viêm giác mạc có lây không?
- 6 Viêm giác mạc có nguy hiểm không?
- 7 Viêm giác mạc bao lâu thì khỏi?
- 8 Phác đồ điều trị viêm giác mạc
- 9 Viêm giác mạc kiêng gì?
- 10 Viêm giác mạc nên ăn gì?
Viêm giác mạc là bệnh gì?
Viêm giác mạc là bệnh nhãn khoa, xảy ra khi giác mạc bị tổn thương do nhiễm khuẩn, nhiễm virut, trầy xước hoặc phản ứng tự miễn do dị ứng. Giác mạc là lớp màng bao ngoài cùng của đồng tử mắt, do vậy khi bị viêm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực.
Triệu chứng viêm giác mạc giúp nhận biết sớm
Viêm giác mạc thường khiến người bệnh rất khó chịu và đi khám gấp vì một loạt các triệu chứng sau:
- Mắt đỏ, đặc biệt là khu vực quanh đồng tử
- Đau nhức mắt âm ỉ, đau hơn khi tiếp xúc với gió mạnh hoặc ánh sáng chói
- Cộm ngứa, xót mắt
- Chảy nước mắt giàn dụa
- Nhìn sự vật bị mờ nhòe
- Nặng trĩu mắt, khó mở mắt
- Xuất hiện đốm, vệt trắng trên giác mạc
Viêm giác mạc gây đỏ, đau nhức mắt rất khó chịu
Nguyên nhân gây viêm giác mạc
Viêm giác mạc phần lớn xảy ra do nhiễm trùng, tuy nhiên cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác.
Nhiễm trùng
Viêm giác mạc xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng: tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, nấm Candida, nấm Fusarium, ký sinh trùng Acanthamoeba, virus herpes simplex,…
Các nguyên nhân khác ngoài nhiễm trùng
- Chấn thương, va quệt gây trầy xước giác mạc
- Đeo kính áp tròng quá lâu, không đúng cách, không vệ sinh sạch sẽ
- Sống trong môi trường nóng bức, độ ẩm cao
- Suy giảm miễn dịch
- Dị ứng lông vật nuôi, phấn hoa, mùi hương,…
- Tiếp xúc lâu với ánh nắng, ánh sáng mạnh
Viêm giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra
Viêm giác mạc có mấy loại?
Dựa trên vị trí tổn thương, có thể chia viêm giác mạc thành 2 loại:
- Viêm giác mạc nông: Viêm xảy ra ở lớp biểu mô ngoài cùng của giác mạc
- Viêm giác mạc kẽ: Viêm ảnh hưởng đến các lớp nhu mô sâu bên trong giác mạc
Dựa trên mức độ bệnh, viêm giác mạc được chia thành các thể nặng, trung bình, nhẹ hoặc 2 dạng: cấp tính (xảy ra chỉ 1 – 2 lần) và mạn tính (tái phát nhiều lần).
Ngoài ra, viêm giác mạc cũng được phân loại dựa vào các nguyên nhân gây bệnh đã liệt kê ở trên.
Viêm giác mạc có lây không?
Viêm giác mạc có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng. Sống cùng môi trường, dùng chung khăn, chậu, vật dụng cá nhân là yếu tố thúc đẩy sự lây nhiễm xảy ra nhanh chóng hơn.
Viêm giác mạc có nguy hiểm không?
Viêm giác mạc ban đầu chỉ gây cảm giác khó chịu, tuy nhiên nếu không trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, khiến thị lực giảm nghiêm trọng, thậm chí mất hoàn toàn như:
- Sẹo giác mạc
- Loét giác mạc
- Tăng nhãn áp
- Đục thủy tinh thể
Viêm giác mạc có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, gây giảm hoặc mất thị lực
Viêm giác mạc bao lâu thì khỏi?
Thông thường viêm giác mạc sẽ khỏi sau 7- 10 ngày nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực và đúng hướng. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nặng hay điều trị không đúng cách thì viêm giác mạc có thể kéo dài dai dẳng hàng tháng trời, thậm chí khỏi rồi lại tái phát chỉ sau thời gian ngắn.
Phác đồ điều trị viêm giác mạc
Việc điều trị viêm giác mạc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Viêm giác mạc do nhiễm trùng sẽ cần sử dụng các loại thuốc uống, thuốc nhỏ, thuốc tra mắt có chứa: kháng sinh, chống nấm, chống virut, chống viêm, chống dị ứng…
- Viêm giác mạc không do nhiễm trùng chỉ cần vệ sinh mắt sạch sẽ, nhỏ nước muối Natri clorua đẳng trương, đeo kính bảo vệ mắt, có lối sống khoa học để kích thích khả năng tự làm lành tổn thương của mắt.
Viêm giác mạc kiêng gì?
Một số chú ý sau sẽ giúp bạn giảm bớt các triệu chứng và ngăn viêm giác mạc tiến triển nặng hơn.
- Hạn chế tối đa việc trang điểm mắt, đeo kính áp tròng, đặc biệt là đeo kính qua đêm, không vệ sinh sạch
- Không chạm tay trực tiếp vào mắt
- Không tự ý mua thuốc về nhỏ hay uống mà chưa có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ nhãn khoa
- Không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh, gió, bụi bẩn
Chú ý kiêng cữ sẽ giúp điều trị viêm giác mạc hiệu quả hơn
Viêm giác mạc nên ăn gì?
Chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất sẽ giúp mắt khỏe hơn, hồi phục nhanh hơn và ngăn các biến chứng nguy hiểm khi bị viêm giác mạc. Bạn cần chú ý tăng lượng rau củ và trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày như: cà rốt, cà chua, bí đỏ, ớt chuông, dâu tây, dứa, cam, chanh, nho, đu đủ, súp lơ xanh, cần tây, cải xoong, đậu hà lan, khoai lang,…
Không khí, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, sự phát sinh thêm hay kháng thuốc của các chủng vi khuẩn, virut cộng với thái độ chủ quan không chăm sóc mắt chính là lý do khiến tỷ lệ mắc viêm giác mạc ngày càng tăng cao. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, từ đó biết cách phòng ngừa, điều trị giúp mắt luôn sáng khỏe.
Ngày đăng: 27/06/2019 | Cập nhật cuối: 28/06/2019
https://www.healthline.com/health/keratitis#types