Bệnh động kinh là một rối loạn đặc trưng bởi sự phóng điện quá mức của các nơron thần kinh trong não bộ dẫn đến các cơn co giật cục bộ hoặc toàn thân. 50% số người được chẩn đoán bị động kinh nhưng không rõ nguyên nhân. Đối với nửa còn lại, nguyên nhân có thể do một hoặc nhiều yếu tố cụ thể như di truyền, tổn thương não, cấu trúc não bất thường,…
Tóm tắt bài viết
Những nguyên nhân bệnh động kinh thường gặp nhất
Bất cứ điều gì làm gián đoạn hoạt động điện não bộ đều có thể dẫn đến các cơn co giật, động kinh. Khoảng 50% trường hợp có liên quan tới một số nguyên nhân cụ thể sau:
Di truyền
Hầu hết động kinh do di truyền thường bắt đầu từ thời thơ ấu. Một khiếm khuyết nào đó trong các kênh ion quy định bởi gen di truyền là nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp động kinh di truyền đều do gen, chúng chỉ là yếu tố kích hoạt cơn co giật dễ xảy ra hơn trong những hoàn cảnh thích hợp. Chẳng hạn như: người bị chấn thương sọ não có tiền sử gia đình mắc động kinh sẽ có nguy cơ cao phát triển động kinh sau cơn co giật đầu tiên.
Di truyền là một trong những nguyên nhân bệnh động kinh phổ biến
Tổn thương não bộ
Đó có thể là những sang chấn vùng đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc bên trong não. Dù ở mức độ nào thì cũng đều có thể hủy hoại đến các tế bào thần kinh và để lại sẹo vĩnh viễn, kích thích não bộ gây co giật, động kinh. Các nguyên nhân có thể gặp gồm:
- Đột quỵ não: 5 – 15 % bệnh nhân đột quỵ có cơn co giật, động kinh. Đây được xem là nguyên nhân bệnh động kinh hàng đầu ở người lớn.
- Khối u: Có thể chèn ép các dây thần kinh, mạch máu não,… gây ảnh hưởng đến hoạt động bất thường của não.
- Tai nạn lao động, tai nạn giao thông,… gây chấn thương đầu.
- Ngạt chu sinh: Xảy ra do trẻ không thể thở bình thường trước, trong hoặc sau sinh gây thiếu oxy, giảm tưới máu tới các cơ quan. Khoảng 30% trẻ ngạt chu sinh có nguy cơ mắc bệnh động kinh sau này.
Thay đổi cấu trúc não
Một số khác biệt trong cấu trúc não bộ như: dị dạng mạch máu, xơ cứng tế bào não, bất thường cấu trúc não bẩm sinh,… có thể khiến não bộ không thể thực hiện chức năng như bình thường và dẫn đến các cơn co giật, động kinh.
Nhiễm trùng não
Một số bệnh lý như viêm màng não, bệnh lao hay hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), có thể ảnh hưởng đến một khu vực của não bộ dẫn đến cơn co giật, động kinh. Ngoài ra, mẹ bầu mắc bệnh lý nhiễm trùng trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương não bộ thai nhi khiến trẻ bị động kinh sau sinh.
Rối loạn phát triển
Nhiều thống kê cho thấy, những người mắc một số rối loạn phát triển chẳng hạn như: tự kỷ, hội chứng Down, bại não hoặc khuyết tật trí tuệ có nguy cơ mắc bệnh động kinh cao hơn người khác. Bởi lẽ đa phần những rối loạn phát triển này đều liên quan đến những bất thường trong hoạt động của não bộ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tiến triển cơn động kinh
Một số yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến quá trình mắc bệnh, chẳng hạn như:
– Tuổi: Mặc dù có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh động kinh có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em và người lớn tuổi.
– Chứng mất trí nhớ: Có thể làm tăng nguy cơ động kinh ở người lớn tuổi.
– Sốt cao co giật từ nhỏ: Với trẻ nhỏ sốt cao co giật tái diễn nhiều lần có thể dẫn đến di chứng động kinh về sau.
– Lạm dụng rượu, bia: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng quá nhiều rượu, bia có thể kích thích não bộ quá mức hoặc làm tăng nguy cơ ngã chấn thương và để lại di chứng động kinh.
Lạm dụng rượu bia gây tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh
Yếu tố tác động làm tăng tần suất, mức độ co giật, động kinh
– Thiếu ngủ, căng thẳng mệt mỏi quá mức.
– Sử dụng thuốc không đúng cách, tự ý tăng, giảm liều hoặc ngưng bỏ thuốc đột ngột.
– Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, gây thiếu hụt vitamin, khoáng chất.
– Ánh đèn nhấp nháy, các thiết bị điện tử, tiếng ồn.
– Chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì và mãn kinh.
Việc hiểu rõ yếu tố nguy cơ cũng như các nguyên nhân bệnh động kinh sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp điều trị và kiểm soát cơn co giật hiệu quả. Cùng lắng nghe chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Chương – Nguyên chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, bệnh viện 103 về một số nguyên nhân bệnh động kinh trong video sau:
Các phương pháp điều trị động kinh hiệu quả nhất hiện nay!
Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh động kinh
Ngày đăng: 05/06/2019 | Cập nhật cuối: 05/07/2019
https://www.verywellhealth.com/epilepsy-causes-risk-factors-1204427
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epilepsy/symptoms-causes/syc-20350093
https://www.epilepsy.com/learn/about-epilepsy-basics/what-causes-epilepsy-and-seizures