Hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ huynh đang bối rối không biết đâu là cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý tốt nhất tại nhà. Bởi khi chọn đúng phương pháp giáo dục, cha mẹ sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời giúp con cải thiện bệnh và thành công hơn trong tương lai. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ “bỏ túi” nhiều thông tin hữu ích.
Tóm tắt bài viết
Thái độ của cha mẹ – Chìa khóa dạy trẻ tăng động tại nhà
Tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển do nhiều nguyên nhân và bản thân trẻ cũng không tự ý thức được những hành vi hiếu động, bốc đồng ấy. Do đó, cha mẹ nên là một người bạn đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn giúp con cải thiện các kỹ năng và tiến bộ hơn từng ngày.
Điều quan trọng là cha mẹ nên có thái độ tích cực và kiên trì để con nhận thức đúng vấn đề và điều chỉnh hành vi qua thời gian. Sự nóng vội trong giáo dục trẻ tăng động thường không mang lại hiệu quả. Trẻ có thể không tiến bộ ngay chỉ sau vài lần nhắc nhở nhưng khi được kiên trì hướng dẫn, trẻ sẽ trưởng thành và học hỏi qua từng ngày. Chính thái độ tích cực cùng tình yêu thương mỗi ngày của cha mẹ chính là chìa khóa trong cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý.
8 cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý hiệu quả nhất
“Học mà chơi, chơi mà học” – Phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả
“Chơi” chính là cách giáo dục tự nhiên giúp trẻ tăng động tiếp thu nhanh nhất. Trẻ sẽ học hỏi được nhiều kĩ năng đa dạng, học cách điềm tĩnh hơn để kiểm soát cảm xúc và cải thiện khả năng tập trung ghi nhớ. Cha mẹ nên dành thời gian chơi cùng con những trò chơi phù hợp với lứa tuổi như sau:
– Trẻ từ 3 đến 6 tuổi: trò chơi đóng vai, giả tưởng, kể chuyện… giúp trẻ rèn luyện tính kiên trì và trải nghiệm nhiều cảm xúc khi chơi. Khi nhập vai vào những nhân vật này, trẻ sẽ học cách xử lý tình huống tốt hơn. Cha mẹ nên giới hạn về thời gian chơi và khi nhận thấy con có biểu hiện chán nản nên tạm ngừng trò chơi này.
– Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: những trò chơi trí tuệ như xoay rubic, xếp hình, truy tìm kho báu…. giúp trẻ rèn khả năng tư duy logic và sắp xếp ghi nhớ.
– Trẻ từ 12 tuổi trở lên: trẻ có thể tự chọn trò chơi giải trí theo sở thích nhưng cha mẹ nên hướng dẫn để trẻ lựa chọn những trò chơi lành mạnh phù hợp với lứa tuổi.
Trò chơi đóng vai rốt tốt cho trẻ tăng động
Học cùng con – Cách dạy trẻ tăng động học tốt hơn
Với trẻ trong độ tuổi đến trường, việc giao bài tập và để trẻ tự học một mình đôi khi không hiệu quả bởi trẻ dễ bị phân tâm với những yếu tố xung quanh. Do đó, cha mẹ cố gắng dành thời gian cùng con ngồi học mỗi ngày trong một môi trường thật yên tĩnh và tránh xa những tiếng ồn của tivi, điện thoại, người nói chuyện… Sau mỗi 30 phút, nên cho trẻ nghỉ ngơi khoảng 5 phút, đứng dậy vận động, uống nước… Khi trẻ đã cải thiện khả năng tập trung, cha mẹ có thể để trẻ tự học và nhắc nhở thường xuyên.
Phân tích cho trẻ hậu quả của những hành vi chưa đúng
Trẻ tăng động có thể phạm lỗi nhiều, lúc này, cha mẹ đừng vội trách phạt con bởi những hình phạt quá nghiêm khắc thường không có tác dụng với trẻ. Cha mẹ nên nhẹ nhàng phân tích để con nhận ra hậu quả của những lỗi sai này để không tái phạm lần sau. Với những trẻ nhỏ, cha mẹ nên lồng ghép nội dung giáo dục vào những nhân vật mà thường ngày bé rất hứng thú và khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến.
Lập cho trẻ một kế hoạch chi tiết
Cách dạy trẻ tăng động này cần sự quyết tâm và kiên trì của cả cha mẹ và bé. Trẻ tăng động gặp khó khăn khi phải tự mình sắp xếp các công việc và thường dễ bỏ sót. Do đó, cha mẹ hãy giúp trẻ lên một thời gian biểu chi tiết và khuyến khích con thực hiện để tạo thói quen giờ giấc. Cha mẹ hãy kết hợp cả hành vi và lời nói như: “Đến giờ rồi, mẹ con mình cùng đi đánh răng và đi ngủ nhé, 7 giờ rồi thức dậy để đi học nào con…” Khi đã trở thành thói quen tốt hàng ngày, trẻ sẽ tự giác thực hiện mà không cần nhắc nhở.
Tán dương, khen ngợi trẻ đúng lúc
Không chỉ riêng trẻ tăng động mà mọi trẻ đều thích được khen ngợi và công nhận. Sự động viên tinh thần này khiến trẻ thích thú và hào hứng thực hiện tốt hơn những công việc được giao. Cha mẹ nên tinh tế trong việc khen thưởng và tham khảo theo hướng dẫn sau:
– “Không nên hứa xuông”: khi đã hứa thưởng trẻ thứ gì, cha mẹ hãy thực hiện đúng để trẻ không hụt hẫng và có thể đa dạng các phần thưởng nhỏ để trẻ hào hứng hơn.
– Tạo một “biểu đồ khen thưởng” dưới dạng ngôi sao tích điểm và điểm cộng để trẻ tự nhận thấy sự tiến bộ của mình và có động lực hơn.
Khen thưởng đúng lúc là cách dạy trẻ tăng động khoa học
Khuyến khích trẻ tăng động giảm chú ý tập luyện thể thao
Đây là một cách dạy trẻ tăng động tuyệt vời giúp chuyển hướng sự tập trung của trẻ để giải tỏa bớt nguồn năng lượng dư thừa. Trẻ tăng động rất đam mê và có năng khiếu nên khi chọn đúng môn thể thao yêu thích, trẻ sẽ phát huy tốt những lợi thế để tạo nên sự khác biệt và có thể trở thành những vận động viên tài năng. Một số điển hình tiêu biểu đó là vận động viên Simone Biles, Michael Phelps… Trẻ tăng động thường phù hợp với những môn thể thao vận động nhiều như bơi lội, bóng đá…
Dạy trẻ tăng động giảm chú ý cách làm quen kết bạn
Đây chính là cách dạy trẻ tăng động mang lại nhiều hiệu quả. Trẻ tăng động gặp nhiều khó khăn khi kết bạn mới bởi những hành vi hiếu động, bốc đồng quá mức, nói quá nhiều… Cha mẹ nên cùng con luyện tập những tình huống giao tiếp ở nhà để con biết nên làm gì, nói gì khi gặp bạn mới…
Giúp trẻ tăng động nghỉ ngơi khoa học
Tạo lập thói quen ngủ đúng giờ là cách dạy trẻ tăng động mà cha mẹ cần chú ý. Một giấc ngủ ngon để trẻ thư giãn tinh thần và đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên có đến 50% trẻ tăng động gặp các rối loạn giấc ngủ, do đó, cha mẹ nên giúp con cải thiện giấc ngủ theo hướng dẫn sau:
– Khuyến khích trẻ đi ngủ vào một giờ cố định, tránh thức khuya.
– Trước khi đi ngủ không cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, ipad…
– Tạo thời gian “đệm” khoảng 30 phút trước khi đi ngủ để trẻ ngủ sâu giấc hơn bằng việc kể một câu chuyện ngắn.
– Âu yếm và nói chúc ngủ ngon với con vào mỗi buổi tối để trẻ cảm nhận được sự quan tâm yêu thương của cha mẹ.
Đọc đến đây, chắc chắn cha mẹ đã biết cách dạy trẻ tăng động hiệu quả nhất để luôn là người đồng hành cùng con trong mỗi giai đoạn phát triển. Ngoài ra, việc giáo dục này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Ds. An Chu
Ngày đăng: 07/03/2019 | Cập nhật cuối: 13/09/2019
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adhd/diagnosis-treatment/drc-20350895