Bạn có biết rằng, thực phẩm ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của những viên sỏi đường tiết niệu, sỏi bàng quang hay không? Khi bàng quang – túi chứa nước tiểu xuất hiện nhiều sỏi, sỏi kích thước lớn sẽ khiến nước tiểu bị ứ đọng tại đây và trên thận kèm theo nhiều biến chứng xấu. Vậy khi bị sỏi bàng quang nên ăn gì, kiêng gì để không khiến bệnh trầm trọng hơn? Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích nhất tại đây.
Tóm tắt bài viết
Bị sỏi bàng quang nên ăn gì, uống gì? Những gợi ý dành cho bạn
Uống nhiều nước
Khi bị sỏi bàng quang hoặc bất kỳ loại sỏi đường tiết niệu nào, bạn nên uống tối thiểu 1,5 – 2 lít nước để giúp pha loãng nước tiểu và ngăn ngừa sự lắng đọng sỏi. Dấu hiệu cho biết bạn đã uống đủ nước là nước tiểu trong và có màu vàng nhạt. Ngoài 50% là nước lọc, bạn có thể bổ sung thêm một số loại nước ép trái cây, nước canh,…
Cân bằng hai nhóm dưỡng chất canxi và oxalat
Mặc dù 80% sỏi tiết niệu có thành phần từ canxi nhưng đây không phải là nhóm chất bạn phải kiêng hoàn toàn bởi chính sự thiếu hụt canxi lại trở thành nguyên nhân tạo sỏi. Chế độ ăn tốt nhất là cân đối hai nhóm chất canxi và oxalat trong khẩu phần ăn hàng ngày. Theo các chuyên gia, canxi và oxalat được liên kết với nhau trong đường tiêu hóa để tạo thành phức hợp dễ tan trước khi đến thận để giảm nguy cơ hình thành sỏi. Bạn cũng không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa oxalat như socola, rau bina, khoai tây,… mà nên kết hợp cùng canxi trong cùng một bữa ăn. Những thực phẩm giàu canxi bao gồm: trứng, sữa, phô mai, hải sản, các loại đậu, rau xanh đậm.
Tăng cường chất xơ từ các loại rau củ quả, trái cây
Chất xơ giúp cải thiện tốt chức năng tiêu hóa, giảm nguy cơ các bệnh tiêu hóa và tiết niệu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng chất xơ tối thiểu cần bổ sung là 21 – 38g/ngày, trong đó trái cây và các loại rau củ là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Đặc biệt cam, chanh, bưởi, quýt, kiwi,… là những trái cây tốt cho người bị sỏi bàng quang vì ngoài bổ sung chất xơ còn rất giàu citrate – là chất chống kết tinh sỏi tự nhiên.
Bổ sung thêm thực phẩm chứa vitamin D
Vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, giảm nguy cơ lắng đọng canxi tạo sỏi trong bàng quang. Nguồn cung cấp vitamin D lý tưởng là từ các loại cá hồi, cá trích, cá ngừ, trứng,…
Bị sỏi bàng quang nên ăn gì? Rau xanh và trái cây tươi
Bị sỏi bàng quang nên tránh gì? Những lời khuyên dành cho bạn
Đừng ăn quá mặn
Dư thừa nhiều natri sẽ cản trở sự tái hấp thu canxi trong thận khiến nồng độ canxi tự do tăng cao, tăng nguy cơ tạo sỏi. Đây cũng chính là lí do bạn không nên ăn quá mặn, lượng muối mỗi ngày không quá 2,3g và tránh các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều hơn 20% natri trong bảng thành phần bằng cách đọc kỹ nhãn thực phẩm.
Cắt giảm lượng đạm động vật
Hàm lượng cao purin trong các loại thịt đỏ, nội tạng động vật làm tăng bài tiết và chuyển hóa acid uric khiến nước tiểu bị acid hóa và dễ kết tinh sỏi trong thận, bàng quang. Do đó để phòng ngừa và điều trị các bệnh sỏi, bạn nên cắt giảm các loại thực phẩm này. Mỗi ngày không nên ăn quá 150g thịt các loại.
Người bị sỏi bàng quang nên cắt giảm lượng đạm động vật
Tránh bổ sung vitamin C liều cao
Nhu cầu vitamin C mỗi ngày khoảng 50 – 100mg, tốt nhất nên bổ sung từ các loại rau củ, trái cây. Đặc biệt ở nam giới, việc lạm dụng vitamin C chính là một trong những nguyên nhân làm kết tinh sỏi trong thận, bàng quang.
Tránh các chất kích thích
Rượu, bia, cà phê, thuốc lá,… có thể gây mất nước, ảnh hưởng đến chức năng lọc của cầu thận, khiến thận phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ bị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Ngoài ra, khi bị sỏi bàng quang, bạn cũng cần hạn chế các chất làm ngọt nhân tạo và các đồ uống có gas.
Ngoài việc tuân thủ những hướng dẫn trong chế độ ăn hàng ngày, việc tập luyện thể thao đều đặn, tránh ngồi quá lâu một tư thế và thăm khám sức khỏe định kỳ, chính là bí quyết giúp bạn chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình tốt hơn.
Sỏi bàng quang và tổng hợp những thông tin không thể bỏ qua