Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 15- 40% dân số mắc tật khúc xạ, trong đó đối tượng trẻ tuổi như học sinh, sinh viên chiếm phần lớn và ngày càng gia tăng. Để không phải đối mặt với căn bệnh này, việc nắm rõ về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa, điều trị là vô cùng quan trọng.
Tóm tắt bài viết
Tật khúc xạ là gì?
Tật khúc xạ là bệnh về mắt xảy ra khi ánh sáng không được tập trung chính xác lên võng mạc, khiến người bệnh không thể nhìn rõ sự vật.
Phân loại tật khúc xạ
Dựa trên triệu chứng, nguyên nhân, tật khúc xạ được phân thành 4 loại chính sau đây.
- Cận thị: Ánh sáng tập trung ở phía trước võng mạc khiến mắt nhìn gần rõ, nhìn xa mờ
- Viễn thị: Ánh sáng tập trung ở phía sau võng mạc khiến mắt nhìn gần mờ, nhìn xa rõ
- Loạn thị: Ánh sáng tập trung tại nhiều vị trí có thể trước, trên hoặc sau võng mạc khiến mắt nhìn xa gần đều mờ, hình ảnh còn có thể bị méo và nhòe
- Lão thị: Ánh sáng khó tập trung lên võng mạc khi vật ở cự ly gần, gây giảm thị lực khi nhìn cận cảnh.
Các triệu chứng tật khúc xạ thường gặp
Nhìn mờ là triệu chứng điển hình nhất, ngoài ra, khi mắc tật khúc xạ, bạn còn có thể gặp phải những biểu hiện sau:
- Mỏi mắt
- Nheo mắt
- Nhìn chói sáng, lóa sáng
- Nhìn đôi, nhìn ba
- Thấy màn sương trước mắt
- Thấy hào quang quanh đèn sáng
- Lác mắt
- Nhức đầu
Nguyên nhân gây tật khúc xạ
Ánh sáng có tập trung đúng lên võng mạc hay không phụ thuộc chủ yếu vào giác mạc, thủy tinh thể và trục nhãn cầu. Do vậy, sự bất thường về cấu trúc, chức năng của các bộ phận này chính là nguyên nhân gây tật khúc xạ, cụ thể:
- Trục nhãn cầu quá dài hoặc quá ngắn: Chiều dài bình thường của trục nhãn cầu là khoảng 22 – 24mm, khi trục ngắn hơn mức này sẽ khiến ánh sáng tập trung phía sau võng mạc gây viễn thị; khi trục dài hơn sẽ khiến ánh sáng tập trung phía trước võng mạc gây cận thị.
- Độ cong của giác mạc không bình thường: Giác mạc cong hơn sẽ khiến ánh sáng tập trung ở trước võng mạc gây cận thị và ngược lại, giác mạc phẳng hơn sẽ gây viễn thị. Ngoài ra nếu độ cong của giác mạc không đồng đều sẽ khiến ánh sáng tập trung ở nhiều điểm gây loạn thị.
- Thủy tinh thể quá phồng, quá dẹt hoặc giảm khả năng điều tiết: Thủy tinh thể quá phồng sẽ có tác động tương tự như giác mạc quá cong, gây cận thị; thủy tinh thể quá dẹt sẽ gây viễn thị. Trong trường hợp thủy tinh thể bị lão hóa, trở nên khô cứng, giảm khả năng co giãn sẽ gây bệnh lão thị.
Yếu tố nguy cơ gây tật khúc xạ
- Tập trung nhìn gần thường xuyên: đặt sách vở, máy tính, điện thoại sát mắt
- Học tập, làm việc trong ánh sáng yếu, ánh sáng trắng, xanh
- Chấn thương, biến chứng phẫu thuật
- Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng
- Stress oxy hóa, lão hóa khi tuổi tác tăng cao hoặc tiếp xúc yếu tố độc hại như ánh sáng mạnh, thức khuya, hút thuốc lá,…
- Di truyền
Cách điều trị tật khúc xạ
Phương pháp cải thiện thị lực đầu tiên được áp dụng cho người mắc tật khúc xạ là đeo kính. Khi người bệnh không muốn đeo kính, thị lực và sức khỏe ổn định thì có thể tiến hành phẫu thuật.
Đeo kính chỉnh tật khúc xạ
Tùy theo tật khúc xạ gặp phải là cận thị, viễn thị, loạn thị hay lão thị, bạn sẽ được chỉ định sử dụng kính phân kỳ, hội tụ hay kính kết hợp cả phân kỳ và hội tụ. Một người có thể mắc nhiều tật khúc xạ trên 1 hoặc 2 mắt với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Do vậy, để chọn được loại kính phù hợp, người bệnh cần đi khám, đo khúc xạ chính xác tại các chuyên khoa mắt uy tín.
Trước đây, đeo kính gọng là chủ yếu, thế nhưng hiện nay, người bệnh đã có nhiều sự lựa chọn hơn khi kính áp tròng, kính mềm chỉnh hình giác mạc ra đời.
Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ
Lasik, Femtosecond lasik, Relex smile, Phakic là 4 loại phẫu thuật phổ biến nhất trong điều trị tật khúc xạ. Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây bệnh là do thủy tinh thể bị thoái hóa hay bị đục, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo.
Những phẫu thuật này có thể gây ra một số rủi ro nhất định như khô mắt, tổn thương giác mạc, viêm giác mạc,… do vậy, người bệnh cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Giải pháp phòng ngừa tật khúc xạ
Những thay đổi nhỏ trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày thực sự có thể giúp chúng ta phòng ngừa tật khúc xạ hoặc ngăn tăng độ hiệu quả, cụ thể là:
- Đảm bảo khoảng cách giữa mắt và vật dụng (sách vở, máy tính, điện thoại, bảng viết,…) tối thiểu là 30 cm.
- Đi khám mắt 6 tháng/ lần, chỉnh kính đúng độ để tránh mắt phải điều tiết nhiều
- Học tập và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng, ưu tiên ánh sáng tự nhiên hoặc ánh đèn vàng
- Áp dụng quy tắc 20/20/20: Cứ sau 20 phút làm việc hãy nghỉ 20 giây và nhìn vào sự vật ở khoảng cách xa 20 feet (khoảng 6m); nhìn vào bãi cỏ, cây xanh sẽ hiệu quả hơn
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya
- Tăng cường rau quả, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt: cà rốt, ớt chuông, bí ngô, rau cải xanh, đậu co ve, nho, cam, dâu, hạnh nhân, ngô,…
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê
Không phải bệnh cấp tính và cũng hiếm khi gây mù lòa, tuy nhiên các tật khúc xạ lại khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống; đồng thời còn gián tiếp dẫn đến những bệnh mắt nguy hiểm như: đục thủy tinh thể, đục dịch kính, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp,…. Chính vì vậy, để bảo vệ đôi mắt sáng khỏe, loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây tật khúc xạ là vấn đề chúng ta cần quan tâm.