Xinchaobacsy.com

Đau tức ngực – 5 nguyên nhân cần nghĩ tới ngay!

Nếu bỗng nhiên bị đau tức ngực thì ắt hẳn bạn sẽ rất hoang mang không biết nguyên nhân do đâu và làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này? Trước khi tìm ra cách để ngăn chặn cơn đau, hãy cùng tìm hiểu top 5 bệnh lý phổ biến nhất gây ra triệu chứng này ngay sau đây.

Đau tức ngực là bệnh gì?  

Bệnh tim mạch – nguyên nhân phổ biến nhất

Có rất nhiều dạng bệnh tim mạch có thể gây ra đau tức ngực, chẳng hạn như:

– Bệnh mạch vành: thường gây đau tức ngực trái do mạch vành dẫn máu đến nuôi tim bị tắc nghẽn, khiến cho cơ tim không nhận được đủ máu và oxy. Ngoài đau tức ngực, người bệnh còn có thể gặp phải triệu chứng khác như khó thở, mệt mỏi, vã mồ hôi, buồn nôn, đau lan ra lưng, vai, cánh tay, hàm trái… Đây là những dấu hiệu thường gặp trong cơn nhồi máu cơ tim do tắc hẹp mạch vành nặng.

– Viêm cơ tim: gây ra cơn đau tức ngực kèm theo sốt, khó thở, mệt mỏi, tim đập nhanh…

– Viêm màng ngoài tim: Cơn đau tức ngực do viêm màng ngoài tim có xu hướng tăng lên khi bạn hít vào hoặc nằm xuống.

– Bệnh van tim: Van tim đóng không đúng cách gây hẹp/hở van, cản trở dòng máu lưu thông bình thường qua van và ứ đọng máu tại tim. Kết quả là người bệnh bị đau tức ngực, nặng ngực, ho khan, mệt mỏi, hụt hơi…

– Phình tách động mạch chủ: Động mạch chủ bị phình tách sẽ gây ra cơn đau tức ngực dữ dội, xuất hiện ở giữa ngực phía trước hoặc phía sau tùy vị trí phình tách. Đây là trường hợp đe dọa tính mạng cần được cấp cứu kịp thời.

– Rối loạn nhịp tim: tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc đập hỗn loạn có thể gây ra đau tức ngực trái.

– Suy tim: là kết quả của hầu hết các bệnh tim mạch. Ngoài đau tức ngực, suy tim còn gây ra mệt mỏi, khó thở, phù chi, tăng cân nhanh bất thường, lú lẫn…

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây đau tức ngực phổ biến

Bệnh đường hô hấp

Đau tức ngực cũng có thể xuất hiện trong các bệnh hô hấp như thuyên tắc phổi, viêm phế quản, tràn khí màng phổi, hen suyễn, tăng áp động mạch phổi… Ngoài đau ngực, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng điển hình của bệnh đường hô hấp như khó thở, ho (có thể có đờm hoặc không)…

Bệnh đường tiêu hóa  

Các bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày, sỏi mật, viêm tụy… có thể gây ra cơn đau tức ngực, kèm theo ợ nóng, buồn nôn. Những triệu chứng này cũng xuất hiện trong bệnh tim mạch nên dễ khiến nhiều người lầm tưởng.

Bệnh cơ – xương – khớp

Chấn thương vùng ngực và bệnh về cấu trúc thành ngực như viêm sụn sườn, dị dạng lồng ngực, viêm cơ ngực… cũng có thể là nguyên nhân khởi phát cơn đau tức ngực.

Đau tức ngực do tâm lý

Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh thực vật điều khiển hoạt động của tim, gây ra các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, bỏ nhịp…

Làm thế nào để biết chính xác nguyên nhân gây đau tức ngực?  

Vì đau tức ngực có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau nên để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bạn cần đi khám tổng quát các chuyên khoa tim, lồng ngực, tiêu hóa, hô hấp… Một số xét nghiệm chẩn đoán dưới đây sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp với từng nguyên nhân:

– Khám tổng quát: nghe tim phổi, chụp X quang lồng ngực; chụp cắt lớp, MRI lồng ngực – ổ bụng, xét nghiệm máu…

– Khám tim mạch: điện tâm đồ, siêu âm tim, thử nghiệm gắng sức tim, chụp mạch vành…

– Khám tiêu hóa: siêu âm, nội soi dạ dày, test H.Pylori…

Cách điều trị cơn đau tức ngực

Việc điều trị đau tức ngực cần dựa trên nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Cụ thể như sau:

– Đau tức ngực do bệnh đường tiêu hóa: Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng acid, bao niêm mạc dạ dày trong trường hợp có viêm loét, thuốc kháng sinh nếu phát hiện có vi khuẩn H.Pylori trong dịch vị dạ dày.

– Đau tức ngực do chấn thương: cần sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh đề phòng nhiễm khuẩn…

– Đau tức ngực do bệnh đường hô hấp: Bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản hoặc đặt ống dẫn lưu khí, dịch trong trường hợp bị tràn khí, dịch màng phổi.

– Đau tức ngực do bệnh lý tim mạch: Tùy từng dạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn một hoặc nhiều loại thuốc giãn mạch, hạ huyết áp, chống đông máu… khác nhau. Trong trường hợp bệnh nặng, không còn đáp ứng với thuốc, có thể phải tiến hành một số can thiệp phẫu thuật như nong mạch/đặt stent mạch vành, bắc cầu động mạch vành, thay/sửa van tim, đặt stent graff…

Đặt stent trong điều trị bệnh mạch vành

Lối sống khoa học để phòng ngừa cơn đau tức ngực tái phát

Để phòng ngừa cơn đau tức ngực tái phát làm ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của bạn, hãy lưu ý áp dụng sớm những lời khuyên sau:

– Ăn uống khoa học: hạn chế đồ ăn chứa nhiều đường, muối, chất béo có nguồn gốc động vật. Tăng cường bổ sung thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây tươi; các loại thịt trắng như cá tươi, thịt gia cầm, hải sản…

– Tập thể dục thường xuyên: giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, từ đó sẽ cải thiện cơn đau tức ngực hiệu quả hơn.

– Sử dụng sản phẩm hỗ trợ phù hợp: Tùy từng nguyên nhân gây đau ngực mà bạn có thể lựa chọn thực phẩm chức năng phù hợp để kết hợp cùng thuốc tây nhằm làm tăng hiệu quả điều trị cơn đau tức ngực.

– Không hút thuốc lá; hạn chế sử dụng đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, nước tăng lực, cà phê…

– Giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì.

– Không thức khuya, tránh làm việc gắng sức.

Có thể bạn quan tâm:

Vương Tâm Thống – sản phẩm thảo dược hỗ trợ làm giảm đau thắt ngực cho người bệnh tim mạch

Bệnh mạch vành – Tổng quan từ nguyên nhân đến cách điều trị hiệu quả

Như vậy, đau tức ngực có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, với mỗi nguyên nhân thì cách điều trị cũng không giống nhau. Chính vì vậy, bạn cần đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác bệnh và áp dụng phương pháp trị phù hợp để chấm dứt tình trạng đau ngực tái phát.

Tác giả: Dược sĩ Lê Lương