Cùng với lời chào thì bắt tay là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng với người đối diện trong giao tiếp, và sẽ là một điểm trừ lớn khi bạn né tránh hành động này chỉ vì đôi tay luôn ướt sũng mồ hôi. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn đổ nhiều mồ hôi tay hơn những người khác và làm sao để ngăn chặn tình trạng này?. Tất cả thông tin sẽ có trong bài viết sau.
Tóm tắt bài viết
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ra nhiều mồ hôi tay
Các tuyến mồ hôi ở lòng bàn tay hoạt động dưới sự chi phối của hệ thần kinh thực vật. Dưới điều kiện môi trường nóng bức, vận động nhiều, cảm xúc căng thẳng, lo âu… mồ hôi được bài tiết mang theo nhiệt nóng, độc tố và các chất cặn bã ra ngoài. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường giúp cơ thể duy trì chức năng sống. Tuy nhiên, nếu đổ mồ hôi tay bất thường không kiểm soát có thể do một số nguyên nhân sau:
Rối loạn thần kinh thực vật :
Bệnh có xu hướng di truyền qua các thế hệ, thường khởi phát ở tuổi dậy thì do hệ thần kinh giao cảm bị hưng phấn quá mức, trở nên nhạy cảm với các yếu tố kích thích từ bên ngoài, khiến mồ hôi tăng tiết không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.
Rối loạn thần kinh thực vật là nguyên nhân phổ biến gây tăng tiết mồ hôi tay
Cường giáp:
Nồng độ hormon tuyến giáp trong máu vượt quá ngưỡng bình thường gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa chất của cơ thể dẫn đến toát mồ hôi toàn thân kèm theo đánh trống ngực, tim nhanh, sụt cân, mắt lồi, run tay chân…
Thay đổi nội tiết tố:
Khi bước sang độ tuổi trung niên, cơ thể không còn sản xuất đủ lượng hormon estrogen, progesterol cần thiết, điều này không chỉ làm suy giảm ham muốn tình dục mà còn gây ra những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh.
Đường huyết không ổn định:
Lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp cũng là nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi tay, đây là tình trạng khá phổ biến ở những người bệnh tiểu đường, đang giảm cân, ăn uống thất thường, hay bỏ bữa…
Bệnh tim mạch:
Trong một số bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim… người bệnh có thể bị toát mồ hôi lạnh bất thường kèm đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi…
Tác dụng phụ của thuốc:
Một số nhóm thuốc như thuốc hạ áp, thuốc chống trầm cảm, kháng sinh… gây ra tác dụng không mong muốn làm tăng tiết mồ hôi tay, tình trạng này sẽ tự chấm dứt khi ngừng dùng thuốc
Nguyên nhân khác:
Ngoài ra, ra nhiều mồ hôi tay cũng có thể là triệu chứng gặp phải trong một số bệnh lý như nhiễm trùng, lao phổi, ung thư, bệnh gút…
Hậu quả của ra nhiều mồ hô tay
Tuy không phải là chứng bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng những bất tiện và khó xử do tăng tiết mồ hôi tay gây ra thì chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu hết.
- Mất tự tin trong giao tiếp: Bàn tay bong tróc, nhớp nháp, bết dính mồ hôi khiến người bệnh luôn tránh né những cái bắt tay, điều này vô tình làm mất đi ấn tượng tốt trong mắt người đối diện, thậm chí nhiều trường hợp còn rơi vào tâm lý mặc cảm, lo âu, ám ảnh
- Dễ mắc bệnh ngoài da: Ra nhiều mồ hôi tay nếu không được vệ sinh tốt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển và gây viêm da, nấm da, mụn nước…
- Khó khăn trong sinh hoạt và công việc: Bàn tay trơn trượt khiến việc cầm nắm các vật dụng như bút, dao, kéo, giấy… trở nên khó khăn, đây cũng là lý do khiến nhiều người phải từ bỏ công việc yêu thích của mình
Chẩn đoán bệnh tăng tiết mồ hôi tay
Mặc dù người bị ra mồ hôi tay thường tự ý thức được vấn đề đang gặp phải, nhưng để chẩn đoán chính xác bác sĩ có thể tiến hành:
- Xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra chức năng tuyến giáp… để xác định nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi tay
- Thử nghiệm iot, đo độ dẫn điện da, test giấy… để ước tính lượng mồ hôi và mức độ nghiêm trọng của tình trạng
Cách chữa bệnh ra mồ hôi tay
Tây y trị chứng tăng tiết mồ hôi tay:
- Chất chống mồ hôi: Là những chế phẩm dùng ngoài da chứa muối nhôm clorua có tác dụng bịt kín các lỗ chân lông, nhờ đó ngăn mồ hôi thoát ra. Tuy nhiên thời gian tác dụng ngắn chỉ trong vài giờ nên phải sử dụng nhiều lần và có thể gây kích ứng da tay.
- Thuốc kháng cholinergic: Giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra thông qua ức chế tính hưng phấn của hệ thần kinh giao cảm, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như táo bón, khô miệng, nhìn mờ… nên nhóm thuốc này không được khuyến cáo điều trị lâu dài
- Tiêm botox: Chất độc botulinum được tiêm vào da tay để ngăn chặn hoạt động của các dây thần kinh giao cảm. Mồ hôi tay giảm tiết trong khoảng 6 tháng nhưng có thể bị đau, nhược cơ chỗ tiêm
- Điện di ion: Các tuyến mồ hôi bị ức chế tạm thời dưới tác động của dòng điện cường độ thấp chạy qua một dung dịch chứa các ion. Phương pháp này tương đối an toàn, hiệu quả nhưng tốn thời gian, phải thực hiện nhiều liệu trình.
- Cắt hạch giao cảm: Là phẫu thuật nội soi loại bỏ các hạch giao cảm nằm ở vùng ngực, sau can thiệp mồ hôi tay ngừng tiết nhưng khoảng 90 % trường hợp bị tăng tiết mồ hôi ở chân, bụng, lưng… do vậy, phương pháp này chỉ dành riêng cho những người bị ra mồ hôi tay nặng
Thảo dược chữa bệnh mồ hôi tay nhiều:
Thiên môn đông, Sơn thù du, Hoàng kỳ… là những thảo dược được sử dụng từ lâu trong các bài thuốc dân gian trị chứng mồ hôi nhiều nhờ khả năng săn se bề mặt da, làm mát cơ thể và bình ổn hoạt động hệ giao cảm. Liệu pháp này cũng được đông đảo chuyên gia đầu ngành đánh giá cao về tính an toàn và hiệu quả, do vậy người bệnh có thể dùng chúng dưới dạng thuốc sắc hoặc viên uống hỗ trợ để giảm lượng mồ hôi tay tiết ra.
Sản phẩm thảo dược giúp làm giảm mồ hôi nhiều hiệu quả
Mẹo giúp giảm mồ hôi tay tại nhà:
- Uống đủ nước trung bình 1,5 – 2 lít/ngày, có thể uống thêm nước ép hoa quả, sinh tố
- Không sử dụng các chất gây kích thích tiết mồ hôi như thuốc lá, rượu, bia, chè đặc, cà phê, socola, đồ ăn cay nóng, gia vị nặng mùi như tỏi, tiêu, hành tây, ớt…
- Ăn nhiều các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao, giàu vitamin B như hoa quả, trái cây tươi, gạo lứt, yến mạch…
- Ngâm tay trong nước lá lốt, trà, dâu tằm hoặc thoa giấm táo, chanh tươi, banking soda vào lòng bàn tay trước khi ngủ
- Rửa và lau khô tay thường xuyên để tránh vi khuẩn tích tụ gây nhiễm trùng và mùi
- Sử dụng phấn rôm, bột bắp để hấp thụ mồ hôi tay
- Tránh dùng các loại kem dưỡng da tay vì dễ gây bí, bít tắc lỗ chân lông
- Tham gia các hoạt động giải trí, trò chuyện với bạn bè hoặc tập thiền, yoga, hít sâu thở chậm… để kiểm soát cảm xúc, giải tỏa căng thẳng
Đừng để mồ hôi tay gây trở ngại cho cuộc sống của bạn. Nắm vững những kiến thức cần thiết về bệnh, lựa chọn đúng phương pháp điều trị kết hợp với kiên trì là chìa khóa giúp bạn vượt qua nỗi ám ảnh mồ hôi tay, lấy lại tự tin và thành công trong giao tiếp.